TTBD - Bàn về vấn đề đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ đặc biệt coi trọng vấn đề đạo đức đối với con người nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng, Người quan niệm đạo đức cách mạng là gốc của người cán bộ, đảng viên, vì vậy trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Bác viết nhiều tác phẩm để bàn về vấn đề này, đặc biệt “Di chúc” – tác phẩm được coi là bảo vật quốc gia gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là lời căn dặn của Bác gửi tới toàn Đảng toàn dân và toàn quân ta về những nhiệm vụ cách mạng. Trong đó, khi bàn về đạo đức cách mạng, Người căn dặn rằng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…”. Lời dạy đó của Bác trong “Di chúc” về đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng cầm quyền đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân ngành đường sắt. Ảnh tư liệu.
Trăn trở, giành sự quan tâm đặc biệt tới đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nên phần đầu tiên trong “Di chúc” Người đã dành thời gian để bàn về vấn đề này. Trong đó, Người khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” Người muốn nhấn mạnh về vị trí, vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng và để giữ được vai trò đó, Người nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” chứ không chỉ dừng lại ở có đạo đức cách mạng mà phải “thấm nhuần” và phải được thể hiện ở các nội dung: Trung với nước, hiếu với dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; thương yêu con người sống có tình có nghĩa; có tinh thần quốc tế trong sáng, với bốn yêu cầu đạo đức đó trong “Di chúc” Bác đặc biệt nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải “thấm nhuần” chuẩn mực đạo đức “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và được thể hiện qua lối sống, tác phong làm việc hàng ngày. Đây là phẩm chất đạo đức giải quyết mối quan hệ “với tự mình”, gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi con người, vì vậy Hồ Chí Minh đề cập rất nhiều đến phẩm chất này. Bác có riêng một tác phẩm bàn về vấn đề này, tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” (1949).
Trong “Di chúc” Người đưa ra những nội dung cơ bản về đạo đức cách mạng đối với cán bộ và đảng viên. Trước hết là chữ “Cần”, trước đây chúng ta quan niệm chữ “Cần” đơn giản là cần cù, chăm chỉ, làm hết ngày hết giờ. Nhưng ở đây Bác đưa ra một quan niệm toàn diện và khoa học về chữ “Cần”, trong đó “Cần” phải đảm bảo 3 nội dung: thứ nhất, “Cần” là lao động cần cù, siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai; thứ hai, cần là lao động có kế hoạch, sáng tạo. Theo Bác, muốn cho chữ cần có nhiều hiệu quả hơn thì không chỉ lao động cần cù, siêng năng còn phải có kế hoạch cho mọi công việc, nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng; thứ ba, trong công việc phải phân công, nếu phân công không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề thợ rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại.
Đi đôi với cần là kiệm như hai chân của một người. Bác yêu cầu kiệm là tiết kiệm tiền của, thời gian, sức lao động của bản thân, của dân, của Chính phủ. Năm 1927, trong cuốn “Đường kách mệnh” phần mở đầu nói về tư cách của người cách mạng, Người viết: “Tự mình phải cần, kiệm”. Cần, kiệm phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng và mở rộng ra theo Người: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp”.
Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhằm nâng cao mức sống của Nhân Dân. Người cho rằng: Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và Nhân Dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp tăng gia sản xuất dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và Nhân dân. Hồ Chí Minh kêu gọi tinh thần tiết kiệm của mọi ngành, mọi cấp. Đi đôi với thực hành tiết kiệm là phòng, chống lãng phí. Cùng với thực hành tiết kiệm, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc phòng, chống lãng phí trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Theo Bác, đi liền với tham nhũng là lãng phí; đó là hai thứ “giặc nội xâm” làm hại dân, hại nước. Tuy những người gây nên lãng phí không lấy của công cho riêng mình như tham nhũng song hậu quả mà nó gây nên cũng rất tai hại cho Nhân Dân, cho Chính phủ. Người chỉ ra các dạng lãng phí để mọi người nhận biết và khắc phục. Đó là: lãng phí về lao động, thể hiện ở việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người, bố trí nhân sự không đúng; lãng phí thì giờ: việc gì có thể làm trong một ngày, một buổi cũng kéo dài đến mấy ngày; lãng phí tiền của Nhà nước, cơ quan, bản thân mình: ăn tiêu xa xỉ, tiêu xài không hợp lý, mắc bệnh “phô trương, hình thức”. Tuy nhiên, Người cũng nhắc nhở tiết kiệm không cần lưu ý tiết kiệm phải là bủn xỉn. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau bởi vì cần mà không kiệm thì như thùng không đáy, còn kiệm mà không cần thì lấy gì mà kiệm.
Liêm trong yêu cầu đạo đức cách mạng của Bác là phải là trong sạch, giữ gìn của công, của dân, không cậy thế để đục khoét; không tham quyền, lợi, danh; được ham học, ham làm, ham tiến bộ. Chữ Chính nghĩa là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn, tức là tà. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Cần, kiệm, liêm, chính cũng là nền tảng của đời sống mới.
Chí công vô tư là mình vì mọi người. Bác dạy: “Khi làm việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào… Khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Thực hành chí công vô tư gắn liền với chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là “đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”( ); là kẻ thù của cách mạng, là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, làm tha hoá Đảng. Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính Nhân Dân. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Do vậy, điều quan trọng là đòi hỏi mỗi cán bộ phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên Người cũng nhắc nhở đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những phẩm chất đạo đức rất cần thiết đối với mỗi con người, đặc biệt là đối với cán bộ. Bồi dưỡng phẩm chất cần kiệm liêm chính, chí công vô tư sẽ làm cho con người vững vàng trước mọi thử thách, từ đó giàu sang không bị quyến rũ, uy vũ không thể khuất phục. Hiện nay, cuộc sống đang đòi hỏi, đất nước và Nhân dân đang mong chờ Đảng ta, các cán bộ trong Đảng phải giữ cho được, thực hiện cho đúng phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà cả đời mình Bác Hồ đã dày công chăm lo giáo dục rèn luyện cho Đảng, để Đảng “là đạo đức, là văn minh”, để mỗi cán bộ là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Có thực hiện tốt những phẩm chất đạo đức đó mới có thể “Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau hơn 50 năm thực hiện “Di chúc” của Người, Việt Nam đã tiến những bước dài, trong đó có vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng. Trong những năm đổi mới đất nước, Đảng đã khẳng định “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, an ninh-quốc phòng là nhiệm vụ quan trọng, Đảng ta luôn đề cập và nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng, thực hành đạo đức trong Đảng; đạo đức của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), Khóa VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ quyết tâm xây dựng Đảng về mọi mặt, nêu cao trách nhiệm và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đề cao tính tổ chức kỷ luật, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Khóa XI “Về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ các biểu hiện và nguyên nhân của những yếu kém, suy thoái về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là thực trạng nghiêm trọng, phổ biến và gây hậu quả rất nặng nề, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, gây bất bình trong xã hội và làm tổn thương đến uy tín, thanh danh của Đảng và ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ. Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 01/11/2011 về những điều đảng viên không được làm nêu rõ mục đích là: “Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng” được thực hiện rộng rãi tới các tổ chức cơ sở đảng.
Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung thực hiện mục tiêu: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức ”. và “Coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị mà nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức”. Lần đầu tiên Đảng ta đặt xây dựng Đảng về đạo đức ngang với chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đây là điểm mới trong tư duy xây dựng Đảng, là bổ sung hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII là dấu mốc quan trọng về xây dựng đạo đức trong Đảng, đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Trong thực tế hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có những bước trưởng thành vượt bậc về nhiều mặt. Có thể nói rằng, đa số cán bộ, đảng viên đã phát huy tốt vai trò của mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; có bản lĩnh vững vàng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Là những hạt nhân gương mẫu trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thể hiện rõ ý thức vươn lên trong học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ học vấn, năng lực tư duy lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vai trò “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thực sự trung thành của nhân dân”, được tuyệt đại đa số nhân dân tin cậy.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn còn những hạn chế, yếu kếm như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tiếp tục khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Điển hình có thể kể đến vụ án “Nhận hối lộ, Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone khi tiến hành mua 95% cổ phần của AVG (Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu), trong số đối tượng vi phạm kỷ luật Đảng còn có cả những cán bộ thuộc diện Trung ương quản… Đây là 1 trong 8 vụ trọng án được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng yêu cầu tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm trong năm 2019, thể hiện quyết tâm trong việc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm.
Tình trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: Những tác động tiêu cực của quá trình thực hiện cơ chế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế đối với đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên; âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, kết hợp gây bạo loạn hòng lật đổ chế độ chính trị nước ta của các thế lực thù địch; sự lỏng lẻo trong công tác quản lý và những thiếu sót trong công tác cán bộ cũng ảnh hưởng đến việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên; thêm vào đó trong một thời gian khá dài, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tích cực, tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh…..
Giải pháp, để nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài bởi nó liên quan tới “Sự tồn vong của chế độ”. Về mặt này, chúng ta cần lưu ý một số điểm chủ yếu sau:
Một là: Phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp ở địa phương trong việc xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Việc phát huy vai trò của các tổ chức nhằm quản lý, giáo dục, kiểm tra, giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên có tác dụng to lớn đối với việc nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục những biểu hiện tiêu cực khác về mặt đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát huy vai trò của nhân dân, công luận trong công tác kiểm tra, giám sát; đấu tranh phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống. Các cấp chính quyền phải quản lý cán bộ, đảng viên chặt chẽ ở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú.
Hai là, chú trọng tự giáo dục và giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2015 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên.
Việc chú trọng tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên là biện pháp có ý nghĩa quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc tự giác hóa quá trình hình thành, phát triển đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh rằng đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, mà nó được củng cố và phát triển chủ yếu do sự đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày cũng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Vì vậy, cùng với sự quản lý, giáo dục thường xuyên của tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự mình trau dồi, rèn luyện tu dưỡng các phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Ba là, kiên quyết đấu tranh chống những hành vi vi phạm pháp luật và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên.
Nâng cao đạo đức cách mạng gắn liền với việc củng cố các tổ chức của hệ thống chính trị các cấp, tiến hành thường xuyên và có hiệu quả các biện pháp kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp có biểu hiện sai trái để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên có vi phạm nghiêm trọng về đạo đức và pháp luật, dù ở bất cứ cương vị nào, sẽ có tác dụng to lớn đối với việc củng cố lòng tin, khơi dậy phong trào quần chúng rộng rãi, tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái thiện, cái đẹp; đồng thời, phê phán cái sai, cái ác, cái xấu.
Bốn là, phải phát huy vai trò nêu gương về đạo đức, trước hết là cán bộ chủ chốt.
Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức là một trong những đạo lý làm người, Bác yêu cầu phải nói đi đôi với làm, phải làm gương cho quần chúng, bởi vì: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”, việc làm gương thể hiện ở nhiều môi trường và cấp độ khác nhau. Trong mọi biểu hiện làm gương thì người đứng đầu, cán bộ chủ chốt giữ một vai trò rất quan trọng, muốn hướng dẫn cấp dưới và Nhân dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” (6/2012), Quy định 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trương ương khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” để tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng, còn hình thức và mờ nhạt. Trước tình hình đó, cần tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII các cấp ủy cần xây dựng quy chế, quy định và công khai các nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên trước tập thể. Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương theo phương châm chức vụ càng cao càng phải mẫu mực trên các mặt, nói phải đi đôi với làm, cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu gương cho thành viên trong tổ chức. Người có chức vụ càng cao, càng có sự ảnh hưởng rộng đến tập thể. Do đó, nêu gương tốt trong nhận thức và hành động của cán bộ lãnh đạo có tác động tích cực đến từng thành viên trong tổ chức.
Đức và tài là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó đức là “gốc” của người cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức cách mạng chính là cái “gốc” của sự phát triển, vì sự phát triển, hướng đến sự phát triển của con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay. Chăm lo vun trồng cái “gốc” này, trước hết là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, yêu cầu đội ngũ này “phải là mực thước để nhân dân bắt chước”.
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Mai-Trường Chính trị Bình Dương; ThS. Hoàng Thị Nguyệt – Trường Cao đẳng xây dựng TP.HCM