4/28/2021 12:00:00 AM GMT+7

Cao su Dầu Tiếng: Phối hợp, tổ chức về nguồn tại Di tích Nhà tù Phú Lợi

TTBD - Hoà chung không khí tưng bừng chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày giải phóng miền nam (30/4/1975 – 30/4/2021) và Quốc tế Lao động 01/5/2021. Ngày 25/4/2021, Đoàn thanh niên Nông trường phối hợp với Công đoàn Nông trường Trần Văn Lưu đã tổ chức cho 60 công đoàn viên và đoàn viên thanh niên về nguồn tại Di tích Nhà tù Phú Lợi, nơi minh chứng cho tình yêu nước của dân tộc Việt Nam.

 

Đoàn được hướng dẫn viên giới thiệu về cuộc sống sinh hoạt của tù nhân, cảnh tù nhân bị giam cầm và những hình phạt tra tấn tù nhân hết sức dã man của chế độ Mỹ - Diệm


Tham quan Nhà tù Phú Lợi, Đoàn đã được cán bộ nơi đây giới thiệu về di tích lịch sử đặc biệt này. Theo đó, Di tích nhà tù Phú Lợi (tọa lạc trên đường Một Tháng Mười Hai, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một) có tổng diện tích là 77.082 m2, đã được nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia ngày 10/07/1980. Đây là một trong những nhà tù lớn của Mỹ - Diệm ở miền Nam được dựng lên năm 1957 để giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ, và tồn tại suốt 8 năm (1957-1964).


Bày tỏ lòng thành kính và tri ân sâu sắc trước những đau thương, mất mát và hy sinh của những người chiến sỹ cộng sản kiên trung đã ngã xuống tại Nhà tù Phú Lợi, Đoàn đã phần nào thấu hiểu được tàn bạo của Mỹ Diệm cũng như sự tàn khốc của chiến tranh, để từ đó hun đúc thêm niềm tự hào và trân trọng đối với hòa bình ngày nay chúng ta đang được hưởng do thế hệ cha ông lớp lớp đã ngã xuống để có nền độc lập, tự do cho thế hệ hôm nay và mai sau.


Trong chuyến đi về nguồn kéo dài 1 ngày đã đem đến cho đoàn viên những bài học bổ ích, bồi đắp thêm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao lập trường tư tưởng chính trị, tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua thực hiện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.


* Ngày 24,25/4/2021 Chi đoàn Cơ quan tổ chức chương trình hành trình theo bước chân những người anh hùng tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.


Đoàn đã đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài 113 năm đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc; thăm và viếng phần mộ như: Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; Nhà yêu nước Nguyễn Anh Ninh; Nữa Anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Cao Văn Ngọc và anh hùng Trần Văn Lưu;… Đoàn cũng đã đến thăm hệ thống các nhà tù Côn Đảo như: Trại tù Phú Hải, trại Phú Tường hay còn gọi chuồng Cọp Pháp, trại giam Phú Bình hay còn gọi chuồng Cọp Mỹ, khu biệt lập chuồng bò. Tham quan một số nơi như: Bảo tàng Côn Đảo, Cầu Tàu 914…

 

 


Dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ


Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần cho thế hệ trẻ hiểu rõ lịch sử dân tộc, quá khứ hào hùng của cha ông từ đó đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào hành động của tuổi trẻ, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, yêu biển đảo quê hương trong đoàn viên thanh niên.

 

* Sáng ngày 24/04/2021, Chi Đoàn Công ty cổ phần gỗ Dầu Tiếng đã phối hợp với Đoàn TN Xí nghiệp chế biến tổ chức hành trình về nguồn “Đi về địa chỉ đỏ” tại chùa Hoa Nghiêm - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, ở Khu phố 4A, Thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.


Tham gia hành trình về nguồn có đồng chí Bùi Quốc Khánh - Bí thư Chi đoàn Cty cổ phần gỗ Dầu Tiếng, đồng chí Hà Ngọc Ái Trân - Bí thư ĐoànTN Xí nghiệp chế biến cùng các bạn ĐVTN của 02 đơn vị.

 


Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hầm cán bộ lãnh đạo huyện Dầu Tiếng thuộc Chùa Hoa Nghiêm-Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh


Thông qua hành trình về nguồn các bạn ĐVTN hiểu rõ hơn về chùa Hoa Nghiêm không chỉ đơn thuần là ngôi chùa điểm tựa về tâm linh của những người phu thợ công nhân cao su nương tựa tinh thần để vơi đi nổi nhớ nhà, nhớ quê hương và tu học Phật pháp mà Chùa Hoa Nghiêm là nơi gặp gỡ của những người công nhân cao su sớm giác ngộ cách mạng. Họ là những người vừa lao động sản xuất vừa tham gia đấu tranh với bọn chủ Tây để đòi quyền dân sinh, dân chủ trong các làng cao su. Họ còn tham gia kháng chiến với tư cách là người hậu phương, đóng tiền của, nuôi giấu cán bộ cách mạng.Cũng chính từ đó,Chùa Hoa Nghiêm trở thành nơi hoạt động liên lạc bí mật của các cơ sở Đảng của huyện Dầu Tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và cũng là nơi che chở cho nhiều cán bộ hoạt động cách mạng chủ chốt như: đồng chí Tám Núi, Hai Lương, Út Lung; Tư Trung, Ba Thượng, Ba Xê, Năm Khoa…trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

 


Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài chiến thắng huyện Dầu Tiếng


Hành trình về nguồn lần này không những tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa Chi đoàn công ty Gỗ và Đoàn thanh niên xí nghiệp chế biến. Qua cuộc hành trình các bạn ĐVTN càng hiểu rõ hơn về sự hy sinh, cống hiến của những người phu thợ công nhân cao su nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong sự nghiệp giành quyền dân sinh, dân chủ lúc bấy giờ. Chính vì thế mà tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ hôm nay nói chung và ĐVTN nói riêng cần cố gắng nhiều hơn trong việc chung tay lao động sản xuất xây dựng đất nước ngày càng phát triển ngày càng giàu mạnh.


CTV Thu Hồng, Như Quỳnh, Ngọc Tươi (AT)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Về đầu trang