6/25/2021 12:00:00 AM GMT+7

Các bạn Đoàn viên, thanh niên “Hãy nói không với ma túy”

TTBD - Hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), Ban biên tập Trang thông tin điện tử Tuổi trẻ Bình Dương đã có đã có buổi phỏng vấn với Đ/c Trần Thị Diễm Trinh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh, BBT trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phỏng vấn:

PV: Đ/c Trần Thị Diễm Trinh cho biết công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy trong thanh niên ở Bình Dương thời gian qua đã được triển khai như thế nào?
Đồng chí Trần Thị Diễm Trinh: Trong những năm gần đây, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin, cần sa, đã xuất hiện hàng trăm loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới. Việc đối phó với tình hình sử dụng các loại ma túy này đang gặp nhiều khó khăn và số người sử dụng, nghiện ma túy ở nước ta chưa có dấu hiệu giảm.
Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, luôn duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao với hàng loạt khu công nghiệp ra đời và ngày càng phát triển về quy mô, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Vì vậy, sự thu hút đối người lao động nhập cư từ các tỉnh trong cả nước là rất lớn, đặc biệt là thanh niên (TN) đến sinh sống và làm việc. Bên cạnh một số mặt tích cực, điều này cũng khiến cho tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, tỉ lệ thanh thiếu niên phạm tội có xu hướng ngày càng gia tăng. Ngoài ra, cơ chế kinh tế thị trường đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân chỉ chú trọng đến việc lao động và làm giàu, ngày càng ít có thời gian chăm sóc gia đình, đặc biệt là việc nuôi dạy con cái. Sự phối hợp, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội chưa thực sự chặt chẽ cùng với môi trường xã hội nhiều cám dỗ đã dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên có những hành vi vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, với tính chất, mức độ, quy mô, xu hướng “trẻ hóa” ngày càng phức tạp, đáng lo ngại. Đặc biệt là tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Phương thức thủ đoạn của tội phạm về ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động, có tính chất liên kết giữa các địa bàn trong tỉnh, liên tỉnh, xuyên quốc gia và với các loại tội phạm khác. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy không có chiều hướng giảm mà còn gia tăng, lan rộng ra tất cả tại các địa phương, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy đa số trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
 Qua điều tra khảo sát từ năm 2015 đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có phát hiện 2781 vụ, bắt giữ và xử lý 4477 đối tượng nghiện ma túy, hiện nay việc sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá” ngày càng phổ biến và dần thay thế heroin, các đối tượng thường tụ tập thành từng nhóm tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện như bar, karaoke, nhà nghỉ, nhà trọ… để vừa sử dụng vừa mua bán trái phép chất ma túy.

 

 

Các ấn phẩm truyền thông tuyên truyền phòng chống ma túy

 

 

Chuỗi hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy trong thanh thiếu niên

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Dương đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh phát huy vai trò xung kích, tình nguyện trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống ma túy (PCMT). Cụ thể:
 (1) Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ký kết nhiều Kế hoạch liên tịch, chủ động phối hợp, khai thác nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể liên quan nhằm tăng cường cơ chế phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của đoàn viên, thanh niên trong phòng, chống tội phạm ma túy. Các cấp bộ Đoàn, Hội thường xuyên quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy, đặc biệt là Luật phòng, chống ma túy năm 2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy năm 2008 và Quyết định 424/TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020”, các đề án, kế hoạch của Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy và của BCH, BTV Tỉnh Đoàn. Hàng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, xác định nội dung phòng chống ma túy là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, đội viên đăng ký cam kết “nói không” với ma túy.
- Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy, phát động thực hiện mục tiêu “Mỗi cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, thiếu niên là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống ma túy”. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên với nội dung tập trung vào tác hại và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần và một số chất ma túy mới; đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả các phương tiện truyền thông của Đoàn-Hội-Đội các cấp, tuyên truyền trên mạng xã hội, xây dựng chuyên mục “Thanh thiếu niên nói không với ma túy” trên Trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội, Chương trình phát thanh thanh niên, phát thanh măng non tại các địa phương, đơn vị; Hàng tháng, BTV Tỉnh Đoàn triển khai Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn với mục “Chính sách, pháp luật mới” liên quan đến Đoàn viên, thanh niên, trong năm có 12 tài liệu được tuyên truyền với hình thức online; biên soạn tài liệu sinh hoạt Chi hội với mục “Pháp luật và đời sống”, in ấn phát hành 24.000 quyển (mỗi tháng 2.000 quyển). Đồng thời, thực hiện chuyên mục “Tuổi trẻ và pháp luật” trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Tỉnh Đoàn và các kênh thông tin của đoàn. Phát hành 40.000 tờ rơi tuyên truyền pháp luật với nội dung tuyên truyền về Luật phòng chống ma túy, Luật bảo hiểm, Luật hôn nhân và gia đình, Luật giao thông đường bộ, Luật Lao động... Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc duy trì hiệu quả việc cung cấp các văn bản pháp luật có liên quan đến thanh niên và chủ trương chính sách của Nhà nước trong 284 “Tủ sách pháp luật”, 752 “Giỏ sách Pháp luật” tại các chi đoàn, chi hội nhà trọ trên địa bàn tỉnh.
 - Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn các kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy, Đặc biệt, BTV Tỉnh Đoàn chủ động phối hợp với ngành Công an tổ chức Hội nghị giao ban, sơ kết đánh giá định kỳ về công tác phòng chống ma túy trong thanh thiếu niên để kịp thời thông tin định hướng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác này.
 
- Lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong thanh thiếu niên; tập trung vào các nhóm đối tượng cụ thể như học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân…; nổi bật, tổ chức các chuỗi tuyên truyền phòng chống ma túy cho thanh niên công nhân tại các khu nhà trọ, trong các doanh nghiệp và học sinh trong các trường THCS, THPT, trung cấp và Đại học, cao đẳng trên đại bàn Tỉnh.  
- Tổ chức nói chuyện chuyên đề, gặp gỡ đối thoại với thanh thiếu niên hoàn lương về công tác phòng, chống ma túy; tổ chức diễu hành, xe hoa tuyên truyền về phòng, chống ma túy; lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt các Câu lạc bộ, Tổ, Đội, Nhóm thanh niên; 100% huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai cho đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia đăng ký thi đua thực hiện Cuộc vận động “3 không với ma túy” (không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy) và tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
 
- Rà soát, củng cố các Câu lạc bộ, Tổ, Đội, Nhóm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy. Tăng cường công tác nắm tình hình việc sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên tại địa phương, đơn vị; tình hình tội phạm ma túy trong độ tuổi thanh thiếu niên; tình hình thanh niên sau cai nghiện cần được tổ chức Đoàn, Hội giúp đỡ, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, kết quả, hiện nay toàn tỉnh có 74 CLB “Thắp sáng niềm tin”, đã giúp đỡ 235 thanh niên tái hòa nhập vào cộng đồng.
 
- Chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của ma túy, phối hợp hành động phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống ma túy, trong đó, tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy cao điểm nhân các sự kiện như: Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6); Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9/11); Tháng hành động quốc gia phòng, chống AIDS (01/12) hàng năm. BTV Tỉnh Đoàn kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tập thể, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy cho thanh thiếu niên, giới thiệu và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay tại các địa phương, đơn vị.
 

 

 

Mô hình "Hành trình Hoa hướng dương"

 
Đối với các các huyện, thị, thành đoàn và Đoàn trực thuộc thực hiện chương trình “Hành trình Hoa Hướng Dương”, “Hành trình của niềm tin” nhằm giáo dục pháp luật cho phạm nhân đang trong thời gian cải tạo, giam giữ tại các trại giam chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giao lưu định hướng lối sống cho thanh niên phạm pháp trong thời gian cải tạo, giam giữ tại các trại giam; phối hợp giới thiệu việc làm cho thanh niên hoàn lương. Kết quả nổi bật, trong năm 2019 đã tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ thanh niên hoàn lương” cho hơn 200 phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh, qua đó tại chương trình đã tổ chức giao lưu với thanh niên hoàn lương tiêu biểu và nói chuyện chuyên đề nhằm giúp hỗ trợ thanh niên tái hòa nhập cộng đồng với chủ đề “Niềm tin”.
- Đoàn thanh niên xã, phường, thị trấn phối hợp với công an và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành rà soát các đối tượng sau cai trở về địa phương, lập danh sách đăng ký phân công cán bộ tham gia phối hợp theo dõi, chia sẻ, giúp đỡ thanh niên sau cai tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương, hạn chế tình trạng tái nghiện… Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên đã tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên. Xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng, nhịp nhàng, đồng bộ, chú ý khai thác nguồn lực từ các chương trình, đề án phòng, chống ma túy được triển khai trong tỉnh và Trung ương để thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho thanh thiếu niên.
Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.
 

 

Tổ chức phiên tòa giả định "Tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy"

 

 

 

Tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy cho lực lượng nồng cốt tại Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh

 
PV: Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng ta đã và sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động thanh niên tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy ra sao, xin mời Đ/c Trần Thị Diễm Trinh chia sẻ thêm?
Đồng chí Trần Thị Diễm Trinh: Trong bối cảnh dịch bệnh covid – 19 trên thế giới, nước ta và tỉnh Bình Dương đang diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi người dân phải tuân thủ các quy định của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid – 19. Đoàn thanh niên tỉnh cũng tích cực công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh trong đoàn viên, thanh niên, chủ động thay đổi về phương thức thực hiện vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị của tổ chức vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch covid - 19.
Việc tuyên truyền công tác phòng chống ma tuý, cao điểm là Tháng 6 - tháng hành động phòng chống ma tuý hàng năm là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy trên phạm vi toàn quốc, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma túy.
Vì vậy, căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy – 26/6” năm 2021; và Thông báo Kết luận số 06/VPTT-PV01, ngày 01/6/2021 của Văn phòng thường trực BCĐ 138 tỉnh Bình Dương về tổ chức các hoạt động hướng ứng Ngày toàn dân phòng, chống ma túy – 26/6; Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma túy và hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy – 26/6” năm 2021;
Có 3 nhóm giải pháp cụ thể:
Nhóm GP1. Hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm của Đoàn, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Nội dung hoạt động là: Tổ chức Đoàn thăm hỏi, tặng quà các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm hoạt động hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy và cá nhân điển hình tiêu biểu trong cai nghiện ma túy, vươn lên lập nghiệp tại địa phương đơn vị.
- Thời gian thực hiện: trong tháng 6/2021.
- Thành phần: Đoàn Thanh niên, mời Công an, Ngành Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh và lãnh đạo các địa phương, đơn vị tham gia.
Đối với các Huyện, Thị, Thành Đoàn tham mưu tổ chức các hoạt động ở địa phương, đơn vị phù hợp.
 
 
Nhóm GP2. Tổ chức chương trình trực tuyến qua mạng xã hội tuyên truyền về phòng, chống ma túy với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”.
- Thời gian thực hiện: Dự kiến ngày 26/6/2021 (Thứ bảy).
- Nội dung hoạt động: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức về phòng, ngừa ma túy và chia sẻ, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, giải pháp, cách làm hay trong công tác phòng, chống ma túy.
Các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức kết nối các trang thông tin, mạng xã hội của đơn vị và các cơ sở Đoàn, Hội, Đội trực thuộc vào hệ thống livestream trực tiếp của chương trình, tổ chức các điểm cầu trực tuyến tại cấp huyện và cấp xã, vận động đoàn viên, thanh niên xem và gửi câu hỏi giao lưu tại chương trình.
Nhóm GP3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Tháng hành động phòng, chống ma túy ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6).
- Tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục kiến thức về phòng, ngừa ma túy bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông với nội dung phù hợp với địa phương, đối tượng, chú ý đến tác hại và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần và một số chất ma túy mới.
- Hỗ trợ hoạt động và nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy có hiệu quả ở cơ sở; phát động đợt thi đua cao điểm hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (từ ngày 01 đến 30/6/2021); phối hợp với địa phương, đơn vị tổ chức các hình thức tuyên truyền về phòng, chống ma tuý nhân Ngày Quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý - 26/6.
- Phối hợp với các đơn vị tham mưu các sản phẩm tuyên truyền cụ thể, thiết thực qua các hình thức trực quan sinh động như áp phích dán tại các khu nhà trọ, inphographic trên mạng xã hội,....
Triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trên các kênh thông tin của Đoàn như Trang Thông tin điện tử tổng hợp Tỉnh Đoàn, Fanpage Tuổi trẻ Bình Dương, phối hợp thực hiện tuyên truyền trên Báo Bình Dương thứ Bảy, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương,...Tham mưu thiết kế các sản phẩm tuyên truyền trực quan sinh động trên mạng xã hội.
Tổ chức sinh hoạt chi đoàn với nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy thông qua các hình thức phong phú, sinh động, tập trung vào thanh, thiếu niên trên địa bàn dân cư, nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
- Rà soát, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của CLB “Thắp sáng niềm tin”, CLB “Vì tương lai”, CLB “Bạn đồng hành”, CLB “Phòng, chống tội phạm”, CLB “Vì bạn bè quanh ta”, Nhóm “Niềm tin”,...Phấn đấu giúp đỡ, cảm hóa các thanh niên nghiện ma túy có sự tiến bộ.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp cảm hóa, giúp đỡ, giáo dục thanh thiếu niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng bằng các hình thức như: Phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ lập nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên hoàn lương trở về tái hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống; tiếp tục phối hợp theo dõi, quản lý giúp đỡ thanh niên sau cai tái hòa nhập cộng đồng, tổ chức các hoạt động phù hợp cho thanh niên sau cai nghiện tham gia, vận động họ tham gia các hoạt động tuyên truyền về ma túy của Đoàn, Hội; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tại đơn vị thăm, tặng quà cho học viên cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện tập trung trên địa bàn tỉnh.
Trong quá triển khai thực hiện, các hoạt động của Tháng hành động được triển khai thiết thực, hiệu quả, tạo hiệu ứng về truyền thông, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
PV: Để phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong phòng, chống ma túy, tỉnh Đoàn Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động gì, thưa Đ/c Trần Thị Diễm Trinh?
Trong thời gian tới, nhằm tạo chuyển biến căn bản và từng bước đẩy lùi ma túy trong thanh thiếu niên, giảm số người nghiện ma túy và phạm tội ma túy trong lứa tuổi thanh thiếu niên; nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn, Hội, Đội trong công tác phòng, chống mà túy trong thanh thiếu niên; đồng thời huy động các nguồn lực cho công tác phòng chống ma túy trong thanh thiếu niên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổ chức Đoàn các cấp tiếp tục nghiên cứu, nắm vững các quan điểm, giải pháp chỉ đạo của Đảng về công tác phòng chống ma túy, nhất là Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 128-CT/TU ngày 02/3/2020 của BTV Tỉnh Ủy Bình Dương về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”, nắm kỹ các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy, từ đó tập trung các cách làm hiệu quả hơn nữa, đó là:

Thứ nhất là xác định Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Vì vậy, cán bộ Đoàn các cấp cần chủ động phối hợp với ngành công an rà soát, đánh giá tình hình ma túy trên địa bàn, thường xuyên báo cáo và kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các chương trình, kế hoạch và điều kiện đảm bảo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy trong cộng đồng nói chung và trong thanh thiếu niên nói riêng.

Thứ hai là, Việc phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, hàng năm, các cấp bộ Đoàn phải có kế hoạch tuyên truyền cụ thể cho từng đối tượng thanh thiếu niên và người dân trên địa bàn, phân công báo cáo viên cụ thể, phân công cán bộ đoàn và đoàn viên theo dõi, giúp đỡ thanh niên chậm tiến. Củng cố, kiện toàn Ban chủ nhiệm và phát huy mô hình CLB Thắp sáng niềm tin ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi lành mạnh để giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa cho thanh thiếu nhi.

Thứ ba là, Việc đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tổ chức Đoàn rà soát các cơ chế, nguồn nhân lực, kinh phí, tài liệu, phương tiện, mô hình, xây dựng lực lượng nòng cốt…cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống ma túy.

Bốn là, Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội, nhất là thanh thiếu niên về hiểm họa ma túy, cần chọn điểm thực hiện, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục theo hướng sinh động về hình thức, dễ hiểu về nội dung, gần gũi với giới trẻ, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; giúp thanh niên chủ động, tự giác trong việc tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy với phương châm “Lấy phòng ngừa là cơ bản trong phòng, chống ma túy”. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền. Nâng cao chất lượng và thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh thanh niên, phát thanh măng non, các chuyên mục trên các kênh thông tin định kỳ của Đoàn về phòng, chống ma túy. Xây dựng các đội hình thanh niên tình nguyện phòng chống ma túy tại các địa bàn dân cư, trong trường học và trong doanh nghiệp. Lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống ma túy là tiêu chí để đánh giá, xếp loại chi đoàn, cơ sở đoàn, cán bộ đoàn và đoàn viên hàng năm.

Năm là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tổ chức phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc" và các phong trào thi đua khác để xây dựng “xã, phường, thị trấn không có ma túy”, “Khu ấp không có ma túy”, “Trường học không có ma túy”, “Doanh nghiệp không có ma túy”, “Cơ quan không có ma túy”…. Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở. Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân, người có uy tín trong hội viên, đoàn viên tích cực tham gia phòng, chống ma túy.
 Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã và đang tham mưu đề án tuyên truyền phòng, chống ma tuý trong thanh thiếu niên tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021 – 2025, đây là 1 trong các chương trình, đề án được thông qua tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Chúng tôi hy vọng, đề án sau khi đi vào hoạt động có sự tham gia phối hợp của các ngành, thì tệ nạn ma tuý và tội phạm về ma tuý sẽ từng bước được đẩy lùi, số người nghiện ma tuý sẽ giảm; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng chống ma tuý trong thanh thiếu niên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.
PV: Nhân cuộc trò chuyện về chủ đề hôm nay, đồng chí Trần Thị Diễm Trinh muốn gửi gắm điều gì đến các bạn thanh niên, xin mời bà?
Đồng chí Trần Thị Diễm Trinh: Chúng ta tự hào sống trong thời đại Hồ Chí Minh, thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đối với Bình Dương của chúng ta, sau 24 năm xây dựng, từ một tỉnh nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề đã có những bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Trong năm 2021, lần thứ 3 liên tiếp Bình Dương được ICF (Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới) công nhận và vinh danh trong top 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh nhất thế giới, với niềm tin, sự kỳ vọng đối với các bạn đoàn viên, thanh thiếu niên đầy nhiệt huyết trên toàn tỉnh, tôi mong rằng các bạn trẻ hãy nuôi dưỡng khát vọng, sống có hoài bão, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển đất nước, không ngừng khát khao, cống hiến sức mình cho Tổ quốc; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của tuổi trẻ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hãy tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, quy định pháp luật của nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, quy chế của cơ quan đơn vị. Hãy là một tuyên truyền viên xuất sắc cho người thân, gia đình, bạn bè và tổ chức mình về công tác phòng chống ma tuý.
Đối với những thanh niên lầm lỡ, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng điều quan trọng hơn hết là đừng vì bất kỳ khó khăn hay cám dỗ nào mà phạm pháp một lần nữa. Tổ chức Đoàn thanh niên sẽ phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, tạo điều kiện, hỗ trợ thanh niên hoàn lương có cuộc sống ổn định, mong muốn các bạn sẽ tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Các bạn hãy xác định cho mình định hướng phấn đấu đúng đắn, để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Các bạn Đoàn viên, Hội viên, thanh thiếu niên Bình Dương hãy tham gia vào công tác đấu tranh, phòng chống ma túy và “Hãy nói không với ma túy”. Vì tương lai của bản thân và gia đình, vì thế hệ mai sau, vì sự tồn vong của dân tộc. Chúng ta quyết tâm ngăn chặn, bài trừ tận gốc tệ nạn ma tuý ra khỏi cuộc sống đem lại sự bình yên cho mọi nhà và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, cùng nhau thực hiện tốt chủ đề Tháng hành động phòng chống ma tuý năm 2021 “Vì sức khoẻ của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà, hãy tránh xa ma tuý”.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn (ghi lại)
 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Về đầu trang