TTBD – Chiều ngày 19/9/2024, tại Hội nghị Báo cáo viên – Tuyên truyền viên Quý III năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức triển khai chuyên đề Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 được diễn ra tại Hội trường Đại học Quốc tế miền Đông.
Tham dự Hội nghị có trên 300 đại biểu là các đồng chí UV.BTV, UV.BCH Tỉnh đoàn; BTV các huyện, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh đoàn, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ lý luận trẻ các cấp, cùng hơn 350 cán bộ Đoàn chủ chốt các cấp.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Quý - Bí thư Chi đoàn Kiểm toán Nhà nước khu vực IV đã trình bày khái quát về những điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phương hướng xử lý các vấn đề chuyển tiếp trong thời gian Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Một số điểm mới nổi bật của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã điều chỉnh tới tất cả các loại tài sản công được quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bao gồm: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Thứ hai, ngoài việc xác định vai trò của tài sản công là để phục vụ cho công tác quản lý của nhà nước và cung cấp các dịch vụ công cho xã hội, thì Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó quy định các hình thức, phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công bao gồm: Giao quyền sử dụng tài sản; cấp quyền khai thác tài sản; cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản; góp vốn, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước; bán, thanh lý tài sản; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm.
Thứ tư, giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ (hiện nay thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.
Thứ năm, quy định một số nội dung quản lý đối với tài sản công do Nhà nước giao cho DN quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại DN để rõ quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tránh sử dụng lãng phí, thất thoát tài sản, cũng như có cơ chế để quản lý, sử dụng, phát triển nhóm tài sản này.
Thứ sáu, quy định việc tổ chức xử lý tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước được thực theo nguyên tắc tập trung để bảo đảm việc xử lý kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả. Quy định các nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; cụ thể hóa các hình thức, phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên (với vị trí là một loại tài sản công quan trọng). Quy định việc hình thành hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, trong đó có hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản công trực tuyến...
Thảo Nguyên
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.