4/10/2020 12:00:00 AM GMT+7

Bình Dương tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19

(ĐCSVN) – Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong năm 2020, địa phương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 15% so với năm 2019. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang gây khó khăn lớn đến việc xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương thông tin, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 110 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục lan rộng ở một số nước là thị trường chủ lực của ngành gỗ. Do đó, tình hình xuất khẩu cũng sẽ ảnh hưởng do các nước áp dụng chính sách hạn chế xuất nhập khẩu dẫn đến việc làm gián đoạn tiến độ thực hiện các hợp đồng đã ký kết trước đây, lượng hàng tồn kho lớn. Hiện nay, dòng tiền của các doanh nghiệp lại nằm trong hàng hóa, nguyên vật liệu nên rất khó khăn trong chi phí nhân công, kho bãi… Đối với các đơn vị giày da, may mặc xuất khẩu trên địa bàn, số đơn hàng đã bị cắt giảm từ 50% đến 60%.

Để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp đang chuyển hướng sản xuất cho tiêu dùng nội địa, giãn thời gian làm việc nhằm giữ chân lao động và bảo đảm nguồn thu. Mặc dù trong quý I/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng, song thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 3,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,3%, duy trì thặng dư thương mại 1,6 tỷ đô la Mỹ.

Dự báo thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu, hoặc có nguồn gốc từ các nước bị dịch bệnh COVID-19 sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp khác cũng rất có thể sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền. Một số mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, sắt thép loại cán nóng dạng cuộn, thép lá, thép không rỉ…

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đã đề ra trong năm 2020, tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch hành động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, Bình Dương chủ yếu tập trung vào những nội dung cụ thể như: tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xử lý vướng mắc về lao động; đẩy mạnh thông tin truyền thông...

Tỉnh Bình Dương đã giao các sở, ngành liên quan tổ chức các chương trình tập huấn cho doanh nghiệp về thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong quản lý thuế; cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp qua hệ thống điện tử cấp độ 3, 4 theo cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN... Bình Dương cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách tín dụng hợp lý; các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; hạ chi phí logistics và không tăng giá các loại dịch vụ thiết yếu; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19… Hiện tại nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ… cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19.

Sản xuất giày xuất khẩu ở Bình Dương. (Ảnh: Báo Bình Dương) 

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn phù hợp với tình hình. Trước mắt, ngân hàng đã chủ động xây dựng chương trình hỗ trợ cho khách hàng vay vốn, thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu… Bước đầu, ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho 34 khách hàng với dư nợ 544 tỷ đồng. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương phối hợp hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh này, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh. Dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho hay, tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cùng với đó, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý, dành vốn cho vay phát triển sản xuất, xuất khẩu... Các doanh nghiệp ở Bình Dương cũng bày tỏ kỳ vọng với những nỗ lực của Chính phủ, địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang được triển khai, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về tài chính, ngân hàng, cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư, thương mại… hy vọng doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và tiếp tục tăng trưởng./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (NC)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49288828
Hôm nay: 4857
Đang online: 70
Về đầu trang