TTBD - Sáng ngày 25/11/2023, Ủy ban Hội LHTN huyện Bàu Bàng tổ chức “Hành trình về địa chỉ đỏ” tham quan, tìm hiểu Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt cho các anh, chị là Chi hội trưởng, Bí thư Chi đoàn Thanh niên công nhân, đoàn viên, hội viên thanh niên công nhân tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Tham gia hành trình có đồng chí Võ Thị Kim Nghĩa – UV.BTV, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UB.MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng Ban Tổ chức Đề án TNCN&LĐT huyện; anh Nguyễn Huỳnh Nguyên Vỹ – Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện huyện cùng 45 anh, chị đoàn viên, hội viên, thanh niên công nhân.
.jpg)
.jpg)
Ảnh chụp toàn đoàn
Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được Đế quốc Mỹ và tay sai thành lập với tên gọi ban đầu là “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” vào năm 1971 nhằm thực hiện âm mưu thâm độc nhằm cách ly, đàn áp, tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam. Với tính chất đặc biệt, nên không giống như các Trung tâm giáo huấn khác ở miền Nam thời bấy giờ, Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt được tổ chức với quy mô lớn, trình độ tổ chức cao và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. “Trung tâm” này thực chất chính là một nhà lao thiếu nhi, thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà tù đế quốc. Nhà lao đặc biệt này đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 - 17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam.
Tuy bị giam cầm, đàn áp nhưng các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi ở đây đã tập hợp lực lượng nòng cốt, thành lập bộ phận chỉ huy thống nhất, đề ra các yêu sách cụ thể để tiến hành các biện pháp đấu tranh liên tục, bền bỉ, xuyên suốt quá trình tồn tại của nhà lao.
.jpg)
.jpg)
Đoàn dâng hương
Trong quá trình đấu tranh, dù còn nhỏ tuổi, các tù nhân thiếu nhi vẫn bị hành hạ, tra tấn dã man bằng nhiều hình thức: còng tréo, đánh bằng roi tết từ dây điện, dây kẽm gai, gậy hướng đạo, hay dùng bóng điện cao áp sáng nóng ấn vào mặt... Tại xà lim, giữa đêm Đà Lạt lạnh giá, kẻ địch còn dội nước lạnh để hành hạ các tù nhân biệt giam. Các chiến sĩ nhỏ tuổi phải ngủ trên nền xi măng, san sẻ cho nhau từng hạt cơm, ngụm nước, chỗ nằm… Chỉ có phẩm chất và lý tưởng cách mạng, ý chí kiên cường và niềm tin cháy bỏng vào tương lai tươi sáng mới giúp các chiến sĩ có sức chịu đựng mạnh mẽ, vượt qua đói rét, đòn roi của kẻ thù.
Các chiến sĩ nhỏ tuổi cũng đã bảy lần tổ chức vượt ngục, thể hiện khát vọng tự do, mong muốn được trở về tiếp tục chiến đấu. Một sự kiện gây chấn động tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào tối ngày 23/01/1973 là các tù nhân thiếu nhi tổ chức tiêu diệt tên cai ngục Nguyễn Cương, kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc. Đầu năm 1973, âm mưu biến các chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi thành tù thường phạm, địch chủ trương ép buộc các chiến sỹ lăn tay, chụp hình để thay đổi hồ sơ. Đứng trước tình hình đó, ngày 22/02/1973, cuộc đấu tranh làm chủ nhà lao đã nổ ra và giành nhiều thắng lợi. Chính phong trào đấu tranh gan dạ, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ địch khi thành lập nhà lao này, buộc nó phải giải tán vào giữa năm 1973.
.jpg)
.jpg)
Đoàn nghe thuyết minh lịch sử
Thông qua “Hành trình về địa chỉ đỏ” tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các thế hệ Thanh thiếu nhi Việt Nam. Khơi dậy lòng tự hào, đồng thời xác định ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp tục ra sức chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin yêu và đền đáp một phần hi sinh của thế hệ đi trước, trong đó có các cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt./.
CTV Quốc Thịnh (PA)
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.