TTBD - Thay vào đó Bác đi thăm và làm việc tại các cơ sở sản xuất. Nếu tính từ lần tổ chức kỷ niệm sinh nhật đầu tiên năm 1946 cho đến ngày Bác đi xa chỉ có chín lần Người ở cơ quan vào ngày 19-5; trong đó có năm lần ở chiến khu Việt Bắc. Có rất nhiều điều đáng nói về những lần kỷ niệm này mà đến nay những người phục vụ vẫn chưa thể quên và Bác Hồ kính yêu của chúng ta vĩ đại chính từ những việc làm nhỏ như vậy.
Lần kỷ niệm sinh nhật đầu tiên của Bác chỉ hơn bảy tháng sau ngày Bác đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được tổ chức đơn giản, ấm cúng, nhưng trân trọng tại Bắc bộ phủ vào trưa 19-5-1946.
Ngay sau đó, Bác dành thời gian tiếp đoàn đại biểu Thiếu nhi, Tự vệ thủ đô và hơn 50 đại biểu Nam Bộ đến chúc mừng. Bác nói: "... Từ trước tới nay tôi là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc... Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi".
Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (02/9/1945)
Lần kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1948 diễn ra tại Nà Lọm, Định Hóa, Thái Nguyên là điểm dừng chân thứ 19 trên những chặng đường trường kỳ kháng chiến của Bắc (tính cả những điểm Bác đi rồi lại quay lại đến lần thứ hai như Bản Ca, Bác Cạn và lần thứ 3 như Khuôn Tát, Thái Nguyên) đã diễn ra thật cảm động. Sáng 19-5 anh em phục vụ chuẩn bị sẵn một bó hoa rừng và chờ cho Bác ngồi vào bàn làm việc thì cùng lên chúc thọ Bác. Nhận bó hoa tươi mang hương thơm của núi rừng, Bác xúc động rơm rớm nước mắt, nhưng Bác lại đề nghị dành bó hoa này đi viếng mộ đồng chí Lộc (tức Nguyễn Văn Ty) người theo Bác từ Thái Lan về nước và chuyên lo nấu ăn cho Bác. Đồng chí Lộc mất ngày 3-5 trong một trận sốt rét ác tính.
Năm 1968, mặc dù đã gần đến ngày 19-5 mà Văn phòng vẫn chưa thấy Bác nhắc đến chuyện đi hay ở đã thành thông lệ như những năm trước đây. Đến sáng 18-5, khi tôi báo cáo công việc trong ngày với Bác, Bác bảo tôi: "Chiều nay ăn cơm xong chú đi với Bác lên Hồ Tây nhé". Hiểu ý Bác muốn tránh liên hoan chúc thọ ở cơ quan, nên cuối buổi chiều hai Bác cháu bí mật rời nhà sàn lên Hồ Tây. Nhưng nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn biết Bác lên Hồ Tây và chiều 19-5 đã mang hoa lên chúc thọ Bác. Tiếp các đồng chí Bộ Chính trị xong, Bác cười hiền hậu và hỏi: "Chú Kỳ tiết lộ bí mật phải không?". Tôi đáp: "Thưa Bác, không ạ". Trưa đó, tại nhà nghỉ Văn phòng đã tổ chức một bữa cơm thân mật giữa Bác với tất cả anh em phục vụ, nhân ngày sinh của Bác. Ngồi vào mâm cơm nhìn các món ăn khá đơn giản bày trên bàn, Bác tỏ ra bằng lòng.
Tại các buổi tổ chức mừng thọ Bác, nếu có bánh kẹo hoặc hoa quả Bác đều không quên nhắc mọi người nhớ lấy phần cho những người ở nhà, nhất là các cháu nhỏ.
Trong một số lần sinh nhật khác Bác đã đi thăm các địa phương, các cơ sở sản xuất: sinh nhật thứ 65 (1955) thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm; sinh nhật thứ 69 (1959), thăm Nhà máy rượu Hà Nội và trước đó ít ngày Bác thăm Tây Bắc nhân kỷ niệm lần thứ năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Bác còn đi thăm chùa Thầy, chùa Hương, chùa Tây Phương... vào những ngày này. Trong một lần đi thăm về, Bác tỏ ra hài lòng và hỏi thư ký nhận xét về chuyến đi, rồi Bác nói: “Vào ngày đáng nhớ này mà dành để về với dân, với cơ sở sản xuất, vừa hiểu được tình hình thực tế, lại vừa thoải mái về tinh thần. Đối với Bác đây là hạnh phúc lớn".
Ngoài đi thăm các địa phương và cơ sở sản xuất ở trong nước, Bác đã có tám lần đi thăm, đi nghỉ và chữa bệnh ở nước ngoài; trong đó chủ yếu là các tỉnh của Trung Quốc gần với Việt Nam như Quảng Châu, Quảng Tây, Vân Nam... nhằm tránh những phiền phức và sự tốn kém thời gian và tiền của của dân trong ngày sinh của mình.
Một trong những chuyến đi mà sau này Bác vẫn nhắc với tất cả sự trân trọng. Đó là ngày 18-5-1965 khi đang nghỉ tại nhà khách của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, Bác phát hiện có sự chuẩn bị khác thường. Bác gọi thư ký vào, giao nhiệm vụ đi nắm tình hình. Thư ký đi tìm hiểu và báo cáo với Bác là các bạn Trung Quốc có chương trình tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 75 của Bác. Nghe xong Bác rất băn khoăn và đã chủ động đặt vấn đề với cán bộ phụ trách nhà nghỉ: "Tôi sang đây vào dịp này để tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây". Các đồng chí ở nhà khách đành phải làm theo đề nghị của Bác. Nhưng Bác vẫn chưa yên tâm vì Bác rất hiểu tấm lòng của các đồng chí Trung Quốc đối với mình. Buổi chiều khi Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đến thăm, Bác nói lại đề nghị trên. Với thái độ trân trọng, nhưng chân tình, đồng chí Diệp Kiếm Anh nắm chặt tay Bác và nói: “Không có việc tổ chức chúc thọ gì đâu! Chúng tôi hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh lắm chứ”. Sáng 19-5, Bác nghe báo cáo tình hình trong nước và không nén được niềm vui khi được tin chiến thắng dồn dập của quân giải phóng miền Nam trên khắp các chiến trường.
Gần như đã thành nếp, sau ngày 19-5 hằng năm Bác đều có thư hoặc điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, cơ quan, đoàn thể ở trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Bác những tình cảm tốt đẹp, thân thiết và nhất là những món quà ý nghĩa về thành tích mới trong lao động sản xuất nhân ngày sinh của Người. Bác còn dặn chuyển những lẵng hoa đẹp, các loại quà mà các nơi gửi đến biếu Bác tặng các đơn vị bộ đội, công an, TNXP, các nhà trẻ.
Điều đặc biệt là từ năm 1965 trở đi, vào những ngày kỷ niệm sinh nhật, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, Bác đều dành những giờ đẹp nhất trong ngày để viết hoặc sửa chữa tài liệu "Tuyệt đối bí mật" (Di chúc). Từ những dòng đầu tiên viết lúc 9 giờ sáng ngày 19-5-1965 đến những dòng viết và sửa chữa vào lúc 9 giờ ngày 19-5-1969 - đều thể hiện sâu sắc những tình cảm yêu thương, những điều trăn trở, những lời giáo huấn của Bác - người Cộng sản chân chính với phẩm giá và đạo lý làm người cao đẹp nhất đã ung dung, thanh thản chuẩn bị hành trang để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa.
Nguồn: Báo nhân dân
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.