8/23/2021 12:00:00 AM GMT+7

Ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành

TTBD - Việc nghiên cứu về thời niên thiếu của Bác Hồ và những nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng của Người phụ thuộc phần lớn vào độ tin cậy của số tư liệu, sự kiện đã sưu tầm, khai thác được. Những năm gần đây nhiều cuộc khảo sát, toạ đàm, hội thảo... đã được tổ chức, nhưng chúng ta chưa có thêm được những tư liệu gì mới. Các nhân chứng lịch sử cùng thời với Bác Hồ đã mất dần, những tư liệu, hồi ký ghi lại được có nhiều điểm khác nhau và độ tin cậy cũng không cao, dù sao cũng chỉ là hồi ức. Hướng đi này vẫn cần phải tiếp tục, nhưng ngày càng ít triển vọng. Cần phải có hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu về thời niên thiếu của Bác Hồ.

 

 

Lý thuyết nhân cách Mác - xít đã chỉ rõ: sự hình thành nhân cách là kết quả tác động phức hợp, biện chứng giữa tính quyết định xã hội và tính tích cực của cá nhân. Đó là một chỉ dẫn quan trọng, có ý nghĩa phương pháp luận đối với việc tìm hiểu, lý giải tính cách của một con người, bình thường hay vĩ nhân.

Tính quyết định của xã hội bao gồm những nhân tố khách quan ở bên ngoài chủ thể hành động, gắn liền với thời đại, dân tộc, quê hương, gia đình và môi trường hẹp mà nhân vật đã quan hệ, tiếp xúc.

Tính tích cực của chủ thể hành động bao gồm những nhân tố thuộc về cơ chế tâm lý bên trong của cá nhân:định hướng giá trị, nhu cầu, lợi ích, hệ thống các thuộc tính đạo đức và phẩm chất riêng tư khác. Những đặc điểm có tính chất cá nhân này vừa là sản phẩm của điều kiện xã hội - lịch sử vừa là chủ thể tích cực, độc đáo trong việc phản ánh, lựa chọn và tiếp nhận những khả năng khác nhau của điều kiện lịch sử khách quan.

Cái khó và cũng là điều cần phải đạt tới trong việc nghiên cứu lịch sử các vĩ nhân là phải lý giải được sáng tỏ biện chứng của quá trình nội tâm hoá các điều kiện lịch sử khách quan và quá trình khách quan hoá các năng lực của chủ thể vĩ nhân trong mối quan hệ tích cực đối với thế giới.

Đi theo hướng này, thời gian qua chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nghiên cứu tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã ngăn ngừa được xu hướng trừu tượng, phi lịch sử, mưu toan giải thích sự hình thành nhân cách của Bác Hồ chỉ dựa vào những yếu tố huyết thống, di truyền nào đó (cả trong nghiên cúu lịch sử và sáng tác văn học).

Tuy nhiên chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trên con đường mô tả, dựng lại và lý giải có sức thuyết phục quá trình hình thành nhân cách vĩ đại và toàn diện của Bác Hồ mà bước khởi đầu là sự hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng của Người ngay từ thời niên thiếu.

Trong điều kiện tư liệu trực tiếp còn nghèo nàn và thiếu tin cậy, chúng ta cần mở rộng việc nghiên cứu và sử dụng tổng hợp thành tựu nghiên cứu của các ngành, các bộ môn có liên quan về những vấn đề, những nhân vật cùng thời với Bác Hồ ở trong nước và trên thế giới. Đây là hướng đi phức tạp, khó khăn, nhưng trong tình hình hiện nay, không còn cách làm khác. Nói một cách cụ thể, để tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành, chúng ta cần tìm hiểu tác động, ảnh hưởng của các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, phong trào chống thuế ở Trung kỳ, nhất là ảnh hưởng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Thông, Lê Văn Miến và những người khác... đối với thời niên thiếu của Bác Hồ.

“Lịch sử của cá nhân hoàn toàn không thể tách rời mà là bị quy định bởi lịch sử của các cá nhân tiền bối hoặc cùng thời với họ” (1). Tìm hiểu những nhân vật có ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách cá nhân của Bác Hồ thời niên thiếu, chúng tôi bắt đầu bằng sự tìm hiểu ảnh hưởng của cụ Bảng Sắc, bởi vì nói đến những nhân tố tạo thành tính quyết định xã hội của một nhân cách ở tuổi thiếu niên, trước hết phải chú ý đến những quan hệ xã hội cụ thể thuộc môi trường gần gũi là gia đình, nhà trường, bạn hữu, trong đó có vai trò của người cha cần được xem trọng, nhất là trong khuôn khổ giáo dục phong kiến ngày trước.

     Sinh thời, Bác Hồ ít nhắc đến thân phụ của mình so với thân mẫu Hoàng Thị Loan (2). Theo tài liệu của mật thám Pháp, trong năm năm đầu bôn ba ở nước ngoài, từ 1911 đến 1915, Nguyễn Tất Thành đã ít nhất có ba lần gửi thư cho chính quyền thuộc địa hỏi thăm tin tức về thân phụ mình: một thư đến Sài Gòn ngày 31 tháng 10 năm 1911, một từ Nữu - Ước đề ngày 15 tháng 12 năm 1912 và một thư nhờ lãnh sự Anh tại Sài Gòn chuyển cho Toàn quyền Đông Dương đề ngày 16 tháng 4 năm 1915. Cũng theo điện mật của Chánh mật thám Ác-nu ngày 5 tháng 12 năm 1923 thì “Nguyễn Ái Quốc không bao giờ viết thư cho bố”. Có thể do không có địa chỉ, cũng có thể do không muốn làm liên lụy đến cụ Phó Bảng. Một hiện vật duy nhất về người cha được Bác Hồ trân trọng giữ bên mình, cho đến cuối đời, đó là tấm ảnh chụp bộ đội ta đứng bên mộ cụ Sắc tại Cao Lãnh, do đồng bào miền Nam gửi ra cho Bác cuối năm 1954. Tấm ảnh được Bác xếp trong chiếc hộp khảm, đựng thiếp in hoa để trên ngăn sách cao nhất trong buồng làm việc trên nhà sàn của Người.

Trong cuốn “Thân thế sự nghiệp của nhà cách mệnh Nguyễn Ái Quốc”, một cuốn tiểu sử tóm tắt nhưng khá đầy đủ về cuộc đời cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, lần đầu tiên được xuất bản tại Hà Nội tháng 4 năm 1946 của một tác giả mang bút danh là Việt Nam (3), có một đoạn nhận định về cụ Phó Bảng như sau: “Ông cụ thân sinh ra ông (tức Nguyễn Ái Quốc) là một nhà nho đã đỗ Phó Bảng và đã làm tri huyện. Nhưng chẳng phải là một nhà nho hủ lậu, cố chấp. Mà là một nhà nho có tư tưởng, có tâm huyết, đã vì cái tư cách tự lập, tự cường, và vì đã ngấm ngầm tham dự vào cuộc khởi nghĩa Cần Vương của đảng Văn Thân mà bị cách chức. Nhà nho ấy đã căn cứ vào tình trạng thực tế trong nước hồi ấy mà tự làm nên một cuộc cách mệnh trong làng nho”.

“Thấy vua Hàm Nghi bị bắt, thấy triều đình và triều thần chỉ còn là tôi tớ của giặc thực dân, Cụ Bảng nhà ta liền phủ nhận cái thuyết trung quân của nhà nho và cho trung quân không phải là ái quốc. Ái quốc là yêu nước. Mà nước là gì? Nước là dân. Vậy ái quốc phải có nghĩa là ái dân. Từ đấy, cụ thường đem cái thuyết đó mà giác ngộ các bạn bè và các thanh niên đến thụ nghiệp. Cụ hô hào cải cách và duy tân, làm một đồng chí với cụ Phan Chu Trinh ở Quảng Nam chủ trương lấy dân làm hậu thuẫn cho tất cả các phong trào cải cách chính trị hay xã hội”

“Nền giáo dục ấy đã gây nên một xu hướng, một quan niệm chính trị rõ rệt và nhắc nhủ cho ông Nguyễn Ái Quốc ngay từ khi còn thơ và ngay từ ngày còn học chữ Hán”

“Đến khi được ra trường học, làm quen với các tri thức mới của phương Tây, ông (Nguyễn) Ái Quốc càng thấy cái thuyết của cha mình có giá trị, càng thấy cái quan niệm chính trị của mình là hợp với trào lưu”(4).

Đoạn văn ngắn gọn, súc tích, được viết bằng bút pháp giản dị, trong sáng và mới mẻ này đã nói rõ với chúng ta về tư tưởng, tính cách, xu hướng chính trị của cụ Bảng Sắc và ảnh hưởng của sự giáo dục lẫn xu hướng chính trị của cụ đối với Nguyễn Ái Quốc ngay từ lúc thiếu thời. Dù sao, đây cũng mới chỉ là những cứ liệu đầu tiên, chưa đủ sức làm sáng tỏ vấn đề. Rất tiếc, trong những cuốn sách giá trị như “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T.Lan... chúng ta không tìm được chi tiết cụ thể nào về thân phận của Bác Hồ.

Vì vậy, để tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của cụ Bảng Sắc đối với sự hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành cần có sự nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về khuynh hướng tư tưởng và hoạt động thực tiễn trong suốt cuộc đời của cụ Bảng Sắc, đặc biệt là những năm tháng của tuổi niên thiếu mà Nguyễn Tất Thành được sống gần gũi bên người cha của mình.

Nghiên cứu trên các nguồn tư liệu hiện có, chúng tôi tạm chia cuộc đời cụ Sắc ra làm ba thời kỳ:

1. Từ nhỏ đến khi đỗ Phó Bảng (1863 - 1901): Có thể chia làm hai giai đoạn:

- Giai đoạn Kim Liên:

(Đến năm 15 tuổi) Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với anh, phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi. Có tài, có chí, thông minh, hiếu học mà không được học, bước đầu cảm thấy ít nhiều bất công trong xã hội, hình thành quyết chí học tập, vươn lên, mong thoát khỏi khổ.

- Giai đoạn Hoàng Trù

(Đến năm 38 tuổi) Nhờ giúp đỡ của gia đình cụ Hoàng Xuân Đường, của người vợ hiền tần tảo, nhờ có chí cao, nghị lực mạnh, kiên trì theo đuổi học hành, thi cử, cuối cùng đã đạt được chí hướng, đỗ Phó Bảng năm 1901.

Nét quán xuyến toàn bộ thời kỳ này của ông là tinh thần khổ học (vừa làm vừa học, lao động để mà học), là ý chí theo đuổi việc học đến cùng (hai lần thi Hương, ba lần thi Hội đưa cả gia đình vào Huế vừa lo kế sinh nhai vừa lo học, sinh con vẫn thi, vợ chết vẫn thi).

Vào tuổi 30, giữa lúc phong trào Cần Vương ở quê nhà đang sôi nổi (Hoàng Xuân Hành, Vương Thúc Mậu...) bạn bè cùng lứa nhiều người bỏ học, bỏ làm quan (Vương Thúc Quý), riêng ông Sắc vẫn kiên trì việc học: cái gì đã khiến ông đeo đuổi sự nghiệp đến vậy?

- Để thoát khỏi khổ và tỏ rõ năng lực của mình? Nếu thế, đậu cử nhân (lúc 31 tuổi) ông đã có thể ra dạy hoặc làm quan rồi!

- Để có tiếng, tập hợp bạn bè? Đây là chỗ Nguyễn Sinh Sắc khác với Phan Bội Châu, vì cuối cùng ông đã ra làm quan, Thừa biện rồi Tri huyện.

- Hay là để thoả ước nguyện của người đã khuất (cụ Hoàng Xuân Đường) và đền đáp ơn nghĩa vợ hiền?

Tóm lại, trong thời kỳ này tư tưởng yêu nước của Nguyễn Sinh Sắc chưa có điều kiện bộc lộ, vừa chưa có cơ sở gì để kết luận về ảnh hưởng của ông đối với sự hình thành tư tưởng yêu nước của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, lúc đó đã gần 10 tuổi.

2. Từ đỗ đạt đến khi bị biếm truất (1901 - 1910)

Trong 5 năm dạy học tại quê nhà Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện đi sâu vào cuộc sống của nhân dân, giao du tiếp xúc với nhiều sĩ phu yêu nước (Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý). Thời kỳ này phong trào yêu nước phát triển mạnh trong cả nước với nhiều khuynh hướng khác nhau. Nguyễn Sinh Sắc đi nhiều, thăm dò, đàm luận, đắn đo, nhưng không nghiêng hẳn về một xu hướng nào, cái chính là ông chưa tin rằng những con đường đó có thể đưa đến thành công.

Năm 1906, sau đoạn tang mẹ vợ. Nguyễn Sinh Sắc vào Huế nhậm chức Thừa biện Bộ lễ, có điều kiện va chạm trực tiếp với quan trường thực dân... Lúc này ông mới thực hiểu nhân tình thế thái, hiểu sự thối nát của quan trường, hiểu cả những khó khăn phức tạp và sự bế tắc của sự nghiệp cứu nước. Ít nhiều ông đã bộc lộ tâm trạng bi quan, tiêu cực, thất vọng, chán chường...

Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Sinh Sắc thời kỳ này là tư tưởng thương dân, một nội dung cơ bản tiến bộ của tư tưởng yêu nước, nhưng ở ông nó mới được bộc lộ ở những khía cạnh cụ thể, gần gũi, thiết thực: đồng cảm với nỗi khổ của dân, cưu mang giúp đỡ dân nghèo... Lòng thương đó có gốc rễ sâu xa từ trong cuộc đời của ông: từ nghèo khổ mà đi lên, chịu ơn sâu nghĩa nặng của dân... (sự nuôi dưỡng của cụ Đường, sự đùm bọc của bà con lao động ở Huế...) vì vậy khi đỗ đạt, ông từ chối lễ vinh quy, không ăn khao chỉ mời trầu nước, còn số tiền xã  cắt cho làm cỗ khao ông đem chia cho người nghèo làm vốn sinh nhai. Khi vào Huế nhậm chức, ông chỉ giữ lại một ít ruộng cho con gái, số còn lại ông đem bán lấy tiền giúp các gia đình có người đi phu Cửa Rào.

Lòng thương yêu nhân dân, sự tỉnh táo trong cách nhìn thời cuộc của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cậu bé Nguyễn Sinh Cung trong thời kỳ này. Như tác giả Việt Nam về sau đã viết, cái thuyết “Nước là dân, yêu nước là yêu dân... chủ trương lấy dân làm hậu thuẫn cho tất cả các phong trào cải cách chính trị hay xã hội” của cụ Bảng Sắc đã thấm vào ông Nguyễn Ái Quốc từ lúc còn thơ, và khi đã “làm quen với các tri thức mới của phương Tây thì Nguyễn Ái Quốc càng thấy cái thuyết của cha mình có giá trị, càng thấy cái quan niệm chính trị của mình là hợp với trào lưu” tức là hợp với lý luận Mác - Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.

3. Từ khi bị mất chức cho đến cuối đời (1910 - 1929)

Thời điểm cụ Sắc nhận chức tri huyện Bình Khê (1 tháng 7 năm 1909) cũng là thời điểm đen tối nhất của phong trào cứu nước đầu thế kỷ. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, vụ Hà Thành đầu độc bị thất bại, cuộc biểu tình chống thuế ở Huế và các tỉnh miền Trung bị dìm trong bể máu, căn cứ nghĩa quân Yên Thế bị bao vây và đánh phá, phong trào Đông Du tan rã, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi nước Nhật, các lãnh tụ của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ, người bị lên máy chém, người bị đày ra Côn Đảo.

Việc ông huyện “lạm quyền” thả những người bị bắt giam trong phong trào chống thuế, xử phạt nghiêm khắc bọn tổng lý hà lạm, ức hiếp nhân dân, thái độ trễ nải trong việc quan, bỏ qua hoặc xử hoà các vụ kiện tụng, hay bỏ huyện đường đi chơi... là những  biểu hiện chống đối theo kiểu riêng của ông, phản ánh tâm trạng bi quan, chán nản thất vọng trước thời cuộc của một con người yêu nước thương dân nhưng ý thức được sự yếu đuối và bất lực của mình.

Sau khi bị cách chức, ông đi dần vào các tỉnh phía Nam: Phan Thiết, Thủ Dầu Một, Sài Gòn, cao Lãnh... có lần tới cả Phnông Pênh. Đây là một thời kỳ bế tắc, đầy mâu thuẫn, nhiều lúc ông phẫn chí, say rượu, giả cuồng, cạo đầu, ăn mặc lôi thôi như một thầy tu núi. Đó là bề ngoài có thật, và không phải không có lúc đã ít nhiều đánh lừa được kẻ thù (qua công văn và báo cáo theo dõi của bọn mật vụ, tay sai). Nhưng đằng sau cái bề ngoài “đi tu, giả điên, say rượu, mê tín... làm ra vẻ bất hạnh khổ sở, mềm nhũn, chỉ còn chuyên chú vào đạo Phật” ấy (theo tài liệu mật thám) vẫn là một con người ham hoạt động, liên hệ, chắp nối. Thời gian này cụ viết nhiều thư, trao đổi với nhiều người, tìm cách liên lạc với các cụ chính trị phạm bị lưu đày ở Phan Thiết, đã dự định tổ chức một cuộc vượt biên, nhưng không thành. Có những dấu hiệu chứng tỏ cụ rất sáng suốt, không “điên”, không hề “mất trí”. Trong thư gửi bà quả phụ Lương Văn Can ngày 20 tháng 4 năm 1928, cụ viết: “Mặc dù tôi nói dài dòng, song bao giờ tôi cũng theo bổn phận mình và nói những điều tôi phải nói”... “Tôi trắng như tuyết, theo pháp luật, theo lương tâm của mình và luật lệ quốc tế...”. Cụ tỏ ra thận trọng trong việc thư từ, dặn dò khá tinh vi về những quy ước, dấu hiệu, ký hiệu, biệt danh... trong trao đổi để làm lạc hướng theo dõi của kẻ thù. Vì vậy, bọn thực dân cai trị vẫn nghi ngờ, chúng “muốn tịch thu mọi giấy tờ của cụ để tìm ra sự thật mục đích mà cụ theo đuổi và hành động” (Điện của công sứ Phan Thiết gửi Khâm sứ Trung Kỳ ngày 15 tháng 11 năm 1923). Không phải ngẫu nhiên, cuối đời cụ lại về ở hẳn làng Hoà An (Cao Lãnh - Sa Đéc). Theo công văn mật của Sở Mật thám Nam kỳ ngày 12 tháng 5 năm 1928, “Ở Hoà An có một nhóm chống Pháp trung thành với Nguyễn Ái Quốc và có mối liên hệ với đảng đỏ ở Quảng Châu) (5).

Theo nhận định của Ác - nu, do J. La - cu - tuya thuật lại, thì cụ “là một nhà cách mạng theo kiểu riêng, chống Pháp không công khai mà lặng lẽ...”(6). Đưa ra những tư liệu này chúng tôi chỉ muốn chứng minh cho sự trọn vẹn của một nhân cách cao quý, còn vào thời kỳ này tư tưởng và hành động của cụ đã không còn mối liên hệ trực tiếp nào với hoạt động lừng danh của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài, từ sau ngày 5 tháng 6 năm 1911.

“Chỉ có nhân cách mới có thể tác động đến sự phát triển và quy định của nhân cách, chỉ có tính cách mới có thể làm ra tính cách mà thôi” (K.D. Usinsky). Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhân cách lớn. Từ nhân cách đó đã toả ra những luồng ảnh hưởng và tác động nào? Nguyễn Tất Thành có thể và đã tiếp nhận được những gì từ tấm gương của người cha kính yêu để hình thành nên nhân cách và chí hướng cách mạng của mình?

Trước hết, đó là tấm gương ý chí kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để đạt cho được mục tiêu. Người ta đã nói đến ý chí của người Nghệ Tĩnh. Nguyễn Sinh Sắc là một điển hình của ý chí đó. Ông nêu cao tấm gương hiếu học, khổ học. Quá nửa đời người, ông theo đuổi sự nghiệp. Đó là một hạn chế của ông. Nhưng ý chí vươn lên đỉnh cao của kiến thức, nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá của ông để đạt được mục tiêu đã trở thành tấm gương sáng cho con cái noi theo. Sau này ý chí cứu dân, cứu nước sôi sục, thường trực, thiết tha, không nhụt chí, không nản lòng của Nguyễn Ái Quốc chính là sự kế tục ý chí của thân phụ mình, có điều ở cường độ mãnh liệt hơn, với mục tiêu cao cả hơn.

Tấm gương ý chí gắn liền với tấm gương lao động. Nguyễn Sinh Sắc từ khi nhỏ đã phải lao động (chăn trâu, cắt cỏ, nấu ăn...). Lúc về làm rể cụ Đường không phải ngồi không mà học, mà vừa làm vừa học. Đỗ Phó Bảng rồi ông vẫn cuốc đất làm vườn cùng với con cái. Đó là chỗ khác giữa Nguyễn Sinh Sắc với số lớn nhà nho đương thời. Phan Bội Châu không biết làm lao động chân tay. Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền đều xuất thân gia đình khá giả. Nếu không có tấm gương và sự giáo dục đó của thân phụ mình, Nguyễn Tất Thành không thể khẳng khái, giơ hai bàn tay ra nói với bạn: “Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”.

Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho cấp tiến, có nhân cách cao thượng. Ông xem thường lễ nghi phong kiến, khuyên răn con cái chớ học đòi phong dạng nhà quan, xem quan lại chỉ là kẻ nô lệ nhất trong đám người nô lệ, khinh rẻ uy quyền, coi trọng đạo đức, gìn giữ nếp sống trong sạch, giản dị, gần gũi nhân dân, thương yêu học trò... Ông cũng là người thức thời không bảo thủ, ủng hộ chủ trương cải cách và duy tân của Phan Chu Trinh, tán thành quan điểm của ông nghè Nguyễn Quý Song: “Muốn đánh Pháp phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp phải biết tiếng Pháp”, ông cho con vào trường Pháp - Việt học tiếng Tây. 

Chú Thích:     

* Trích Tham luận tại Hội thảo “Bác Hồ với Bình Trị Thiên, Bình Trị Thiên với Bác Hồ”. 6.1987.

(1) C.Mác và Ph. Ăng - ghen: Toàn tập, tập 3, trang 440 (tiếng Nga).

(2) Theo nhận xét của ông Vũ Kỳ, người đã sống lâu năm bên Bác.

(3)Trong một bài viết khác, chúng tôi sẽ xác minh cụ thể về tác giả đầy uy tín của cuốn sách này.

(4) Sách đã dẫn, tr.2. Bảo Ngọc văn đoàn xuất bản, Hà Nội. 1946.

(5) Trích hồ sơ mật thám về cụ Nguyễn Sinh Sắc - Tư liệu lưu trữ tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(6) Dẫn theo David Habberstam “Hồ” - NXB R. House New York 1971 - Tài liệu biên dịch của Viện sử học.  

                                                                                                                              GS.Song Thành

Nguồn: Sách \"Âm Vang Thời Bác Hồ Ở Huế\" - NXB Thuận Hóa - 2003

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49309858
Hôm nay: 5367
Đang online: 35
Về đầu trang